Mục lục
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ rõ hơn về con chip M2 mới mà Apple giới thiệu tại sự kiện WWDC cho MacBook Air mới và MacBook Pro 13″.
Apple M2 vs M1, khác biệt gì?
Khá bất ngờ khi tại sự kiện WWDC Apple ra mắt chip M2 thay vì là một phiên bản M1 nào khác, Apple M2 được trang bị trên MacBook Air mới và MacBook Pro 13 inch. Theo Apple, M2 cho hiệu năng CPU cao hơn 18% so với M1 và hiệu năng GPU cao hơn 35%. Nhìn chung thì M2 khá giống với A15 Bionic trên iPhone 13 khi Apple trang bị các nhân xử lý mới, bộ giải mã video mới,… Tương tự như cách mà Apple đã ra mắt M1 và A14 Bionic ngày trước.
Apple M2 là chip 5nm thế hệ thứ 2 với 20 tỷ bóng bán dẫn → hơn 4 tỷ bóng bán dẫn với M1. Có thể dự đoán Apple M2 được TSMC sản xuất trên tiến trình node N5P, giống với chip A15 Bionic trên iPhone 13 và iPad mini 6 vậy và dự kiến Apple A16 sắp tới cũng được làm trên tiến trình này. Chip N5P cải thiện hiệu năng xử lý hơn so với N5 nhưng không nhiều. Chip có 8 nhân CPU trong đó 4 nhân mạnh và 4 nhân tiết kiệm điện, nhưng Apple lại không nói rõ đây là nhân gì, tuy nhiên người dùng chúng ta có thể dựa theo quá trình mà Apple nâng cấp từ M1 lên M2 thì không ngoại trừ trường hợp Apple dùng nhân Avalanche và Blizzard – tương tự như A15 vậy (M1 và A14 dùng nhân Firestorm và Icestorm).
CPU
Nhân CPU trên Apple M2 cũng có bộ nhớ L2 cache lên đến 16MB, nhiều hơn 4MB so với M1, tuy cho hiệu năng cao hơn nhưng tầm quan trọng của Apple M2 nằm ở 4 nhân tiết kiệm điện (4MB cache). Xét lại trên A15 Bionic thì nhân Blizzard kết hợp với bộ xử lý tính toán ALU nhằm giúp CPU tiết kiệm điện năng tiêu thụ hơn và các nhân CPU đem lại hiệu xuất hoạt động cao hơn 28% và cũng tương tự như vậy đối với M2 khi Apple tập trung vào khả năng xử lý đa luồng nhằm đảm bảo được chip mạnh hơn nhưng vẫn giữ được điện năng tiêu thụ thấp như M1.
Apple so sánh hiệu năng CPU của M2 mạnh hơn so với các laptop PC có 10 nhân CPU khác và chỉ tiêu thụ điện năng bằng ¼ mà thôi, trong khi nếu so với laptop PC có 12 nhân CPU thì Apple M2 đạt được gần 90% hiệu suất đạt đỉnh (peak) nhưng chỉ tiêu thụ điện năng cũng bằng ¼ – có thể đoán Apple muốn so sánh với dòng CPU Intel gen 12th Alder Lake-P mới.
GPU
Về GPU trên M2, Apple cũng gọi đây là GPU “thế hệ tiếp theo” với 10 nhân (vẫn có tuỳ chọn 8 nhân trên MacBook Air mới) và đạt được hiệu suất là 3.6 TFLOPS – hơn 1 TFLOPS so với M1 có 8 nhân GPU. Với biểu đồ so sánh GPU giữa M2 và M1 của Apple thì M2 sẽ ăn điện hơn vào khoảng 15W để có hiệu năng cao hơn 25% và đạt đỉnh (peak) lên đến 35% so với M1 (12W).
Anandtech cho rằng người dùng sẽ khó thấy được sự thay đổi hiệu năng GPU của Apple M2 khi sử dụng các tác vụ nhẹ, nhưng với các tác vụ nặng thì sẽ có sự khác biệt lớn. Đặc biệt khi MacBook Air có thiết kế không cần quạt tản nhiệt bên trong bởi tính tiêu thụ điện thấp của chip và có lẽ Apple cũng thừa biết tập khách hàng sử dụng MacBook Air là những người chỉ cần một chiếc máy gọn nhẹ, làm việc vừa phải. Đó là lý do mà pin của MacBook Air vẫn duy trì được ở mức 18 tiếng, đối với thế giới của Intel hay AMD thì thời lượng pin thế này chỉ có trên những chiếc ultrabook mỏng nhẹ và sức mạnh “khiêm tốn”.
Tích hợp Media engine
Apple M2 cũng được trang bị Media engine như trên M1 Pro và M1 Max, nó bao gồm bộ giải mã video 8K và bộ mã hoá chuyên dụng cho định dạng video H.264, HEVC, và ProRes – đây là thứ để những người dùng cần để trải nghiệm edit video được tốt hơn, từ đó có thể thêm nhóm đối tượng khách hàng chính mà Apple nhắm đến là những người dùng làm việc nhiều với video.
Đặc biệt những người dùng MacBook Pro 13″ mới với chip M2 ít nhiều sẽ cần những nhu cầu hơn từ hiệu năng chip M2 mang lại.
Ngoài ra M2 trang bị hệ thống Neural Engine mới như trên A15 Bionic với thiết kế 16 nhân và nó có thể thực hiện 15,8 nghìn tỷ phép tính trên mỗi giây (TOPS), theo Apple thì Neural Engine của M2 sẽ nhanh hơn 40% so với M1. Neural Engine là nhân xử lý trí tuệ nhân tạo và nó sẽ giúp các tác vụ ML ví dụ như nhận diện gương mặt khi đang edit video để chạy tracking, trở nên nhanh và mượt hơn, thông minh hơn.
Bộ nhớ unified
Một điểm đáng chú ý nữa khi M2 có chuẩn bộ nhớ LPDDR5 cho tốc độ nhanh hơn so với LPDDR4X của M1 hay A15 Bionic. Tốc độ truyền tải của LPDDR5 là 6400 MT/s so với 4266 MT/s kết hợp với bus giao tiếp 128-bit thì LPDDR5 của M2 sẽ cho băng thông tối đa lên đến 100 GB/s và gần gấp đôi với LPDDR4X. M2 cũng có tuỳ chọn lên đến 24GB bộ nhớ unified (RAM) thay vì chỉ tối đa 16GB như trước, nhưng lưu ý Apple vẫn cho option cơ bản là 8GB unified và chúng ta phải bỏ thêm 200 đô để mua bản 16GB hay thêm 200 đô nữa để lên 24GB – vốn là một mức giá không hề rẻ.
Các thông tin khác của M2:
- Trang bị bộ ISP mới
- Secure Enclave mới
- 20 tỷ bóng bán dẫn
- MacBook tích hợp vẫn sử dụng USB-C Thunderbolt 3 / USB4
MacBook Air M2 và MacBook Pro 13″ M2, chọn máy nào? Dành cho ai?
Với mình, mình sẽ chọn MacBook Air bởi thiết kế mới hấp dẫn hơn (body máy cho đến màn hình). Có thể thấy cấu hình của MacBook Air M2 và MacBook Pro 13″ bản 10 nhân GPU, 512 SSD, 8GB RAM unified có giá ngang nhau là 1500 đô, cho dù option lên 16GB RAM thì vẫn ngang giá.
Đồng ý Pro có quạt tản nhiệt cũng như Touch Bar nhưng mình tin đó không phải là lý do để nhiều người đến với Pro. Trong khi chúng ta chỉ cần xách một chiếc laptop có trọng lượng 1,2kg và rất đẹp nhưng vẫn có hiệu năng M2 tương đương.
MacBook Air M2 sẽ rất hợp với các bạn sinh viên hay đi làm văn phòng, hay những người dùng làm việc lập trình hay edit video cơ bản vẫn có thể tìm đến dòng Air mới. Mình tin Apple đã tính toán trước việc hiệu năng của Apple M2 sẽ đến đâu để nó không cần có quạt vẫn chạy tốt.
Tham khảo: Anandtech