Không chỉ cần sức mạnh GPU, hiệu năng đồ họa còn phụ thuộc nhiều vào Driver

bởi stevenlam

Driver hay trình điều khiển là câu chuyện muôn thuở giữa AMD và NVIDIA GPU. Chúng ta thường nghe mọi người nói rằng NVIDIA driver ổn định hơn, AMD thì mỗi lần cập nhật driver lại tăng hiệu năng… nhưng câu chuyện đằng sau việc viết và ra mắt driver mới giữa đội xanh và đội đỏ sẽ khác nhau như thế nào?

Theo AMD, họ sử dụng đến 6000 cấu hình hệ thống khác nhau để phục vụ cho quy trình kiểm tra driver nội bộ, trước khi chính thức cung cấp đến người dùng. Điều này giúp họ đảm bảo rằng 99.95% khách hàng sẽ không gặp phải sự cố hay lỗi khi sử dụng phần mềm AMD. Số liệu thống kê cho thấy trong năm 2021, lượng driver WHQL mà AMD ra mắt là 26 phiên bản, trong khi NVIDIA chỉ có 20. WHQL hay Windows Hardware Quality Labs là chứng nhận phần cứng, phần mềm dành cho hệ điều hành Windows. Quy trình cấp WHQL sẽ đảm bảo được phần cứng hay phần mềm đó đã được Microsoft phê duyệt, hoạt động bình thường và đúng cách mà nó được tạo ra trên Windows. Nếu driver đạt chứng nhận WHQL, nó sẽ được cung cấp cho cả Windows Update để tải về và cập nhật tự động.

Không chỉ cần sức mạnh GPU, hiệu năng đồ họa còn phụ thuộc nhiều vào Driver

Nói về WHQL thì anh em cũng thấy, các bản driver của AMD thường mất khá nhiều thời gian để đạt được chứng nhận này, trong khi NVIDIA gần như ngay lập tức. Khoảng thời gian so sánh là khoảng thời gian giữa phiên bản beta đến khi nó được cấp WHQL. Theo AMD thì họ liệt kê các bản driver non-WHQL thuộc mục tùy chọn (optional) hay đề nghị (recommended), thường cung cấp đến tay người dùng sớm hơn bản WHQL. Trước đây AMD chưa bao giờ giải thích lý do driver non-WHQL lại được đề xuất sử dụng, nhưng thông tin dưới đây cho thấy điều đó.

AMD Optional driver gần giống như các bản driver ở cấp độ sản xuất từ phía đối thủ (NVIDIA), trong khi AMD Recommended driver đại diện cho phiên bản đã trải qua quá trình kiểm thử, đồng thời đã trải qua hàng tháng trời được cung cấp rộng rãi trong cộng đồng. Dù tất cả các bản driver mà AMD phát hành chính thức đều đạt WHQL của Microsoft, nhưng đôi khi game thủ sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về hiệu năng nếu sử dụng driver non-WHQL. Bằng cách ra mắt các driver không vượt qua được chứng nhận WHQL, AMD có thể đảm bảo hỗ trợ nhiều hơn với những bản vá lỗi hay cập nhật những tựa game mới.

Không chỉ cần sức mạnh GPU, hiệu năng đồ họa còn phụ thuộc nhiều vào Driver

Điều này có nghĩa là AMD xem những bản driver non-WHQL của mình cũng có chất lượng tốt tương đương với bản phát hành của NVIDIA, nhưng lại ra mắt sớm hơn. Nhờ đó, game thủ có thể nhận được những bản cập nhật mới, các điều chỉnh tối ưu hóa game… trước khi driver WHQL xuất hiện. Đây cũng là lý do mà anh em sử dụng card đồ họa AMD sẽ thấy tần suất cập nhật driver mới khá dày đặc, và thường ít nhiều sẽ có cải thiện về tốc độ khung hình hay hiệu năng lúc chơi game.

Một lợi thế khác của driver AMD so với NVIDIA là tính nhất quán. AMD chỉ sử dụng 1 nền tảng mã (codebase) thống nhất cho tất cả các sản phẩm trên nhiều hệ máy hay nhu cầu sử dụng, từ mobile, desktop, gaming hay sáng tạo, từ GPU tích hợp đến GPU rời. Trong khi đó NVIDIA chia thành 2 nhánh lớn gồm GPU cho laptop và GPU cho desktop. Phía “lực lượng mới nổi” Intel cũng có các bản driver khác nhau cho đồ họa tích hợp và Arc.

Không chỉ cần sức mạnh GPU, hiệu năng đồ họa còn phụ thuộc nhiều vào Driver

AMD tập trung vào việc tối ưu hóa không chỉ cho những game mới mà cả những tựa game sử dụng API cũ hơn. So sánh giữa driver 22.5.2 vào tháng 5 và 22.3.1 vào tháng 3 vừa qua, nhiều tựa game trên nền DirectX 11 đã có tốc độ khung hình trung bình cải thiện hơn 10%. Một số tựa game khác có thậm chí có hiệu năng còn tốt hơn như Assassin’s Creed Odyssey tăng đến 28%, World of Warcraft: Shadowlands tăng đến 30% hay Grand Theft Auto V cải thiện 11%. Lần tối ưu hóa này xuất hiện gần như cùng lúc với bản cập nhật OpenGL & Vulkan, cũng mang đến hiệu suất tăng thêm cho 1 số game nhất định. Theo AMD, chỉ trong năm 2021, driver đã đẩy hiệu năng chơi game của card đồ họa thêm trung bình 15%, và những lợi ích này được cung cấp đến người dùng trong suốt thời gian mà họ sử dụng sản phẩm.

Không chỉ cần sức mạnh GPU, hiệu năng đồ họa còn phụ thuộc nhiều vào Driver

AMD và NVIDIA đã có khoảng thời gian rất dài kinh doanh card đồ họa, và lượng kinh nghiệm họ có từ việc viết cũng như tối ưu driver là rất lớn. Trong khi Intel từ trước đến nay tập trung vào đồ họa tích hợp, mới bắt đầu (chuẩn bị) gia nhập thị trường đồ họa rời với dòng card Arc Alchemist, vì vậy hiệu năng ban đầu của card chắc chắn sẽ khó so sánh với 2 đối thủ còn lại. Với những tiến trình và công nghệ, Intel có thể tạo ra GPU mạnh, nhưng việc tối ưu nó cho hàng đống tựa game và phần mềm hiện tại trong khoảng thời gian ngắn là rất khó. Tom Petersen – kỹ sư đồ họa của Intel – cho biết công ty đang tập trung vào tối ưu GPU Arc cho 1 danh sách các trò chơi mới (game ứng dụng API mới, game phổ biến trên Steam hay các nền tảng phân phối khác, game thường được reviewer sử dụng), trước khi họ xem xét đến việc tối ưu cho những game cũ hơn. Chúng ta cũng thấy rằng ở các phép thử tổng hợp (synthetic benchmark), sức mạnh của Intel Arc không nhỏ, nhưng đến game thì lại kém hơn đối thủ, điều này rõ ràng là do driver chưa thực sự “ngon”, vì cách mà synthetic benchmark hoạt động không giống như game hoặc những ứng dụng thực tế khác.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x