Mark Zuckerberg: “Mục tiêu của tôi giờ là đảm bảo sự mở và tự do của AI”

bởi stevenlam

Tham vọng phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở nhằm kết hợp giữa machine learning và mạng nơ-ron, giúp cho mọi người có thể tiếp cận miễn phí với các mô hình AI hiện nay, để bất kỳ ai cũng có thể nghiên cứu, áp dụng và điều chỉnh những mô hình này. Tham vọng này đã đạt được một cột mốc quan trọng.

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của tập đoàn Meta, đã công bố phiên bản 3.1 của mô hình ngôn ngữ mã nguồn mở Llama do công ty phát triển. Đây là mô hình mã nguồn mở miễn phí đầu tiên đạt “ngưỡng cao cấp”, với sức mạnh từ 405 tỷ tham số, không thua kém gì so với những mô hình thương mại hàng đầu của OpenAI, Google hay Anthropic. Ông Zuckerberg cũng cho biết rằng từ năm 2025, các mô hình Llama mới sẽ trở thành những mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến nhất trên thế giới.

Mark Zuckerberg Mục Tiêu Của Tôi Giờ Là đảm Bảo Sự Mở Và Tự Do Của Ai Features 01

Liệu các mô hình AI mã nguồn mở có thực sự trở thành những giải pháp mạnh mẽ và hiện đại nhất hay không, thời gian sẽ là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, điều chắc chắn là tác động từ mục tiêu này của Zuckerberg sẽ mang lại cả lợi ích và khó khăn, khi công nghệ tạo sinh mạnh mẽ này trở nên dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người, bao gồm cá nhân, tổ chức, chính phủ và quốc gia.

Ở khía cạnh tích cực, những mô hình AI mã nguồn mở có khả năng làm giảm sức mạnh cạnh tranh của các tập đoàn công nghệ lớn, vốn chỉ tập trung vào việc phát triển các mô hình AI với mục đích thương mại hóa và sử dụng mã nguồn đóng, đặc biệt là những mô hình tiên tiến nhất hiện nay.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là công nghệ cao cấp đó, khi trở thành mã nguồn mở, có thể bị lợi dụng bởi những cá nhân hoặc tổ chức có ý định xấu, chẳng hạn như phát tán thông tin sai lệch, thực hiện hành vi lừa đảo hay khủng bố. Có lẽ thời điểm này là thời điểm thích hợp để các nhà chức trách và lập pháp trong các quốc gia giám sát và kiểm soát tốc độ phát triển của những AI tiên tiến.

Cũng thật mỉa mai khi nhận thấy rằng Meta giờ đây đã trở thành người dẫn đầu trong phong trào AI mã nguồn mở toàn cầu. Trước đây, khi vẫn mang tên Facebook, gã khổng lồ công nghệ này đã từng “quay xe”, xây dựng các mạng xã hội với một hệ sinh thái khép kín, hạn chế các nhà phát triển ứng dụng tự do xây dựng dịch vụ trên nền tảng của mình.

Nếu suy xét kỹ, các mô hình ngôn ngữ Llama của Meta cũng không hoàn toàn là mã nguồn mở, vì chúng chưa được phát hành với giấy phép được công nhận bởi tổ chức Open Software Initiative. Meta vẫn giữ quyền kiểm soát, ngăn chặn các tập đoàn lớn sử dụng mô hình Llama của họ cho mục đích vận hành, nghiên cứu hoặc thương mại hóa.

Mark Zuckerberg Mục Tiêu Của Tôi Giờ Là đảm Bảo Sự Mở Và Tự Do Của Ai Features 02

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, Llama thực sự mang lại cảm giác như một mô hình ngôn ngữ AI mã nguồn mở. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có khả năng tải về “weight” của mô hình để nghiên cứu hoặc thay đổi cách thức hoạt động của nó. Ít nhất, tuyên bố về khát vọng “mở hóa” lĩnh vực AI mà Zuckerberg đưa ra có phần nào đó hợp lý, thay vì chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận cho Meta thông qua Llama.

Giải pháp thay thế cho các sản phẩm mã nguồn đóng và phát triển những thuật toán cùng phần mềm mã nguồn mở với tiềm năng được ngành công nghệ đồng lòng ủng hộ là một chiến lược phổ biến hiện nay. Danh sách các công ty ủng hộ sự phát triển của mô hình Llama đã chứng minh rằng nỗ lực tạo ra AI mã nguồn mở đã có ảnh hưởng tích cực. Trong số những công ty đó có cả Amazon, Microsoft và Google, những tập đoàn cam kết cung cấp dịch vụ vận hành mô hình Llama trên nền tảng máy chủ đám mây của họ.

Với tuyên bố rằng mã nguồn mở sẽ an toàn hơn mã nguồn đóng trên nhiều phương diện, Zuckerberg đang hướng tới việc thu hút một lượng lớn các nhà phát triển trên toàn cầu. Nhiều người dùng thực sự mong muốn tìm hiểu rõ về cách công nghệ mà họ sử dụng hàng ngày hoạt động như thế nào, và thực tế là phần lớn cơ sở hạ tầng công nghệ toàn cầu hiện tại đều dựa vào mã nguồn mở. Nói cách khác, theo lời chuyên gia về bảo mật máy tính Bruce Schneier: “Mở an toàn hơn, chỉ có những tập đoàn lớn cố gắng thuyết phục bạn điều ngược lại.”

Mark Zuckerberg Mục Tiêu Của Tôi Giờ Là đảm Bảo Sự Mở Và Tự Do Của Ai Features 03

Giám đốc điều hành tập đoàn Meta cho rằng việc bảo vệ các công nghệ có giá trị cao khỏi những quốc gia đối địch với Mỹ là một điều không khả thi, chỉ là một ảo tưởng. Theo Zuckerberg, nếu Trung Quốc muốn, họ sẽ tìm mọi cách để thu thập những bí mật về hoạt động của AI. Tuy nhiên, từ góc nhìn của các cơ quan an ninh quốc gia, họ tin rằng mình có đủ khả năng để bảo vệ các bí mật công nghệ, vì vậy quan điểm của Zuckerberg có vẻ hơi hời hợt.

Khi đề cập đến các quốc gia thù địch yếu hơn, Zuckerberg cho rằng kinh nghiệm quản lý mạng xã hội cho thấy việc ngăn chặn việc sử dụng AI vào các mục đích xấu thực sự giống như một cuộc chạy đua vũ trang ảo, và nước Mỹ hoàn toàn có khả năng giành chiến thắng. Miễn là “những người tốt” có một hệ thống vượt trội hơn “những kẻ xấu”, mọi thứ sẽ được đảm bảo, theo Zuck.

Tuy nhiên, giả định này chưa chắc đã chính xác. Về mặt lý thuyết, hiện nay bất kỳ ai cũng có thể thuê dịch vụ hạ tầng máy chủ đám mây.

Chúng ta có thể hình dung ra một tương lai, nơi quyền truy cập vào các hệ thống điện toán khổng lồ và mạnh mẽ sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Tương tự như các ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây có thể bị yêu cầu bởi các cơ quan quản lý áp dụng các quy định KYC, tức là biết khách hàng của bạn. Hiện tại cũng đã có những đề xuất rằng chính phủ nên trực tiếp quản lý những cá nhân có quyền tiếp cận các con chip hiệu năng cao, yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển các mô hình AI tiên tiến.

Đó là câu chuyện của tương lai xa, còn trong thời điểm hiện tại, các mô hình AI mã nguồn mở mà mọi người có thể tiếp cận miễn phí đang đạt được những bước tiến vượt bậc. Và đó chắc chắn là một điều tích cực.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x