Mục lục
Yoga Slim 7i ProX là một chiếc laptop mỏng nhẹ nhưng hiệu năng cao, nếu so sánh với những chiếc laptop cùng kích cỡ. Nhìn qua bên ngoài anh em sẽ không thể đoán được bên trong là một thông số cấu hình khá mạnh, tương đương với một chiếc laptop gaming tầm trung, bao gồm: Core i7-12700H, card đồ hoạ RTX 3050, RAM 16GB và SSD 1TB.
Ấy thế mà Yoga Slim 7i ProX chỉ nặng 1.45kg và dày chỉ 15.9mm. Trông chiếc laptop này không khác gì một chiếc ultrabook sở hữu CPU dòng P và thực tế có nhiều nhà sản xuất trang bị CPU Alder Lake P hoặc các dòng CPU tương đương khác cho những chiếc laptop kiểu như chiếc máy này. Với cấu hình hiệu năng cao, chắc hẳn Lenovo muốn hướng đến khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu nhất có thể, giúp chiếc laptop này đa năng hơn: làm việc cũng được, chơi game cũng được, làm việc sáng tạo cũng được.
Thiết kế đẹp, màu cũng đẹp, cứng cáp
Trước tiên hãy nói về thiết kế của chiếc laptop này. Với mình chiếc laptop này có thiết kế đẹp, nó mang ngôn ngữ rất đặc trưng của dòng Yoga, đó là sự đơn giản và mềm mại. Nếu không tính đến việc Lenovo dán nhiều tem lên máy thì nó thực sự là một chiếc laptop đơn giản.
Máy có một màu sắc phải gọi là đẹp, nó không phải kiểu màu đen hoặc xám khá nhàm chán mà màu xanh trên chiếc máy này tạo ra sự mới mẻ và thích thú với cá nhân mình. Không phải kiểu xanh đậm, chính xác thì Lenovo gọi nó là Dark Teal, nhưng cá nhân mình thấy nó giống màu của một viên đá xanh dùng để xây nhà, nó đẹp mà vẫn mạnh mẽ, nhìn nó mát mẻ nữa.
Máy được hoàn thiện bằng kim loại, full nhôm với mặt A được CNC và mặt D phía dưới là nhôm dập (aluminum stamping) với các lỗ lấy gió phục vụ cho việc tản nhiệt. Lenovo hoàn thiện chiếc laptop này tốt, cứng cáp và chắc chắn, mặt A và C gần như không tìm được chút ọp ẹp nào, nhưng mặt D thì có vẻ hãng họ dùng nhôm hơi mỏng một chút, không giống mặt A và C.
Các cạnh viền của máy cũng là dạng bo tròn, được làm nhám và nó giống với cách các nhà sản xuất điện thoại hay làm. Khung viền bo tròn là một kiểu thiết kế đặc trưng của Lenovo luôn, hiện tại không nhiều nhà sản xuất máy tính họ theo đuổi kiểu này, đa phần đều làm sắc hoặc vuông ở các cạnh. Lenovo cũng sử dụng bản lề chính giữa cho chiếc laptop này và nó khá chắc chắn, mở máy bằng một tay thoải mái, Lenovo cũng có chú ý đến tiểu tiết này với khả năng mở máy dễ dàng.
Bản lề của máy có thể mở ra một góc 180 độ luôn, tiện lợi cho một số thao tác sử dụng hội họp.
Nếu anh em là người hay ra mồ hôi tay thì có thể sẽ không thích lắm kiểu thiết kế này vì nó bám dấu vân tay nhiều lắm, cá nhân mình không bị mồ hôi tay thì nó là một thiết kế đẹp, nhưng với những anh em khác thì chưa chắc 😁.
Tiếp với khu vực bàn phím và touchpad, đây là layout quen thuộc và không có hàng phím số, mình thích layout kiểu này và cảm giác gõ bàn phím của Yoga Slim 7i ProX cũng khá ổn, phím nảy và phản hồi nhanh, khoảng cách phím hợp lý, nhưng mà keycap được làm phẳng chứ không phải võng nhẹ như những dòng laptop khác của Lenovo. Như mình đã nói mặt C được Lenovo gia cố tốt nên gõ phím không hề flex một chút nào, rất thoải mái và tự tin khi sử dụng. Điểm đặc biệt nữa của bàn phím này đó là hệ thống đèn nền sẽ có tuỳ chọn tự động điều chỉnh bật/tắt, dựa vào webcam ở phía trên để xác định một cách tự động.
Hai bên bàn phím cũng là nơi Lenovo đặt dải loa của họ, công suất tổng 4W, tune bởi Harman/Kardon và hỗ trợ Dolby Atmos. Chất lượng loa thì ở mức ổn, không quá xuất sắc nhưng cũng không tệ, tuy nhiên nếu so với Yoga 9 thì nó chưa bằng :D.
Touchpad phía dưới kích thước khá lớn (80 x 135 mm) và phủ kính, hỗ trợ driver Precision Touchpad, cảm ứng đa điểm và tracking là rất chính xác.
Cổng kết nối trên Yoga Slim 7i ProX cũng khá đầy đủ cho những nhu cầu văn phòng, USB-C Thunderbolt4 (Power Delivery 3.0, DisplayPort™️ 1.4, chuyển dữ liệu), 1 cổng HDMI 2.0, 1 cổng USB-A 3.2 Gen 1 (có tính năng luôn sạc cho điện thoại, tai nghe…), jack 3.5mm và nút gạt tắt camera.
Nhìn chung về thiết kế thì mình thích chiếc laptop này, nó đơn giản, màu xanh lại là màu yêu thích của mình nên mình cầng thích chiếc máy này hơn. Tuy nó hơi nặng so với những chiếc laptop màn hình 14” khác và hiệu năng cũng cao hơn nên có thể hiểu được, vì Lenovo cần phải làm cho máy một hệ thống tản nhiệt phù hợp với cấu hình.
Màn hình đẹp
Màn hình của Yoga Slim 7i ProX có độ phân giải cao là 3K (3072 x 1920) PureSight, tấm nền sử dụng là IPS với độ tương phản 1500:1, góc nhìn rộng 89 độ (trái/phải, trên/dưới), tỉ lệ 16:10 và độ bao phủ màu sRGB là 100% (Adobe RGB là 67% và P3 là 65%)
Những thông số màn hình của chiếc máy Yoga Slim 7i ProX này rất hấp dẫn người dùng, chưa kể độ sáng 400 nits, được cân chỉnh sẵn màu sắc trước khi bán ra, rồi còn hỗ trợ Dolby Vision nữa, tốc độ làm tươi 120Hz (là Dynamic nha anh em, biến thiên từ 60-120Hz). Lenovo cũng bán ra nhiều tuỳ chọn cho màn hình của máy lắm, nhưng độ phân giải mặc định là 3K, không có tuỳ chọn Full HD hay 4K. Tuy nhiên anh em phải lưu ý một chi tiết đó là Dolby Vision, Lenovo có 2 tuỳ chọn màn hình thông số y hệt nhau, cũng là phủ matte chống chói luôn, nhưng một loại sẽ có Dolby Vision, một loại sẽ không có. Nhìn hình dưới đây anh em sẽ hiểu.
Cũng liên quan đến màn hình đó là cụm webcam hỗ trợ mở khoá khuôn mặt IR qua Windows Hello (độ phân giải FHD 2.1MP) và nó có một số tính năng mình thấy rất hay, ví dụ xác định người dùng đang sử dụng máy tính thì sẽ không tắt màn hình, hoặc tự động giảm độ sáng nếu người dùng vẫn ngồi trước máy tính nhưng không sử dụng máy, tự động điều chỉnh độ sáng dựa vào cửa sổ đang mở (nếu cửa sổ màu đen thì tự giảm độ sáng để điều tiết cho phù hợp, quay lại cửa sổ trắng thì tăng độ sáng), tự động điều chỉnh nhiệt độ màu của màn hình tuỳ vào điều kiện ánh sáng môi trường. Một số tính năng nằm mặc định trong Windows, nhưng một số tính năng được Lenovo bổ sung vào, trải nghiệm sử dụng máy tốt hơn.
Với kích thước màn hình thế này, cộng với độ phân giải 3K và tỉ lệ scale mặc định là 200% mình thấy sử dụng vẫn ổn, vẫn hiển thị được nhiều thông tin, nếu muốn nhiều hơn anh em có thể scale xuống 175% hoặc 150%, nhưng chữ lúc này sẽ không còn mịn nữa mà sẽ có răng cưa. Viền màn hình của Yoga Slim 7i ProX cũng không phải thuộc loại quá mỏng, giống như Dell XPS, nhưng mà nhìn chung thì vẫn ổn, thế nhưng mà viền này vẫn bằng nhựa, với một chiếc laptop có giá xấp xỉ 40 triệu đồng thì mình mong muốn nó phải hoàn thiện tốt hơn một chút nữa, ví dụ phủ kính ra tới phần khung viền của máy luôn.
Việc cân chỉnh màu sắc sẵn, bổ sung nhiều tuỳ chọn về hiển thị có thể thấy Lenovo muốn cho người dùng có thể sử dụng chiếc laptop này, hay cách riêng màn hình theo nhiều nhu cầu nhất có thể, nhưng chủ quan của mình thì thấy rằng Lenovo muốn hướng đến những người dùng sáng tạo, liên quan đến hình ảnh, video, gõ văn bản nhưng không phải quá chuyên nghiệp, các YouTuber hoặc các TikToker chẳng hạn.
Cấu hình đa dụng
Như mình đã đề cập đến lúc đầu, Core i7-12700H và RTX 3050 là quá đủ để làm các tác vụ văn phòng, các công việc liên quan đến tính toán, hay các bạn làm chuyên viên phân tích dữ liệu, làm các công việc liên quan đến Excel, SQL, truy xuất dữ liệu không quá phức tạp thì nó vẫn đáp ứng được. Còn về game, dĩ nhiên cấu hình này đủ để anh em chơi game Esport vô tư, CS:GO, Overwatch, Valorant, LoL…chẳng làm khó được chiếc laptop này đâu. Tuy vậy, cấu hình quá đa dụng đôi khi lại không tốt hoàn toàn về một mặt nào đó.
Ý mình là, cấu hình này làm văn phòng thì quá dư, chơi game thì thực sự phê vì để chơi được game AAA ở độ phân giải của chiếc laptop Yoga Slim 7i ProX này đang có hoặc chí ít là QHD thì cũng khá vất vả đó. Cả Core i7-12700H và RTX 3050 trên chiếc laptop này không phải là phiên bản mạnh mẽ nhất của chính nó. Lenovo trang bị cục sạc công suất 100W cho máy, điều đó chứng tỏ cả CPU và GPU đều sẽ bị giới hạn một phần nào đó về hiệu năng, ở đây là công suất tiêu thụ điện. Tuy bị giới hạn mức PL2 là 80W thay vì 115W như thiết kế của hãng, nhưng Core i7-12700H trên Yoga Slim 7i ProX vẫn duy trì ổn định ở mức 55W, peak 80W nhưng nhiệt độ lúc này là 96 độ C, máy sẽ cắt điện năng tiêu thụ về đúng mức ở trên để nhiệt độ của máy về mức 87 độ. Xung P-core lúc này sẽ khoảng 2.8GHz còn xung E-Core là 2.4GHz. Đó là đối với bài test multi core CPU, hiệu năng của máy ở mức tối đa.
Hơn nữa, mặc định driver GPU được cài đặt vào chiếc laptop này lại là Studio driver, chứng tỏ Lenovo muốn hướng chiếc laptop này đến các công việc sáng tạo như edit hình ảnh, edit video và làm công việc thiết kế nhiều hơn là chơi game. Mình có thử chạy FurMark với RTX 3050 thì GPU tiêu tốn 55W, FPS trung bình là 45 và nhiệt độ là 80 độ C. Trong suốt 10 phút chạy FurMark máy chỉ throttling đúng 1 lần. Thử qua Clipchamp với 1 video gần 5 phút xuất 1080p, không nhiều layer phức tạp, chỉ cắt ghép và thêm text đơn giản thì máy vẫn đảm đương được. Clipchamp là một phần mềm edit video khá hay và thú vị, cơ bản thì nó đủ dùng, mình sẽ chia sẻ với anh em sau :D.
Yoga Slim 7i ProX cũng cho người dùng 3 mức tinh chỉnh hiệu năng, mặc định sẽ là Intelligent Cooling, tiếp nữa là Extreme Performance và cuối cùng là Battery Saving.
Về hệ thống tản nhiệt, Lenovo trang bị 2 quạt tản nhiệt và 2 ống đồng, khá cơ bản và trong quá trình thử nghiệm của mình thì nhiệt độ của máy thường xuyên chạm ngưỡng 95-96 độ C cho CPU và lúc đó máy sẽ tự động cắt xung, cắt điện để đưa nhiệt độ về mức 8x độ. Mức nhiệt độ này có thể chấp nhận được cho quá trình sử dụng thông thường.
Khả năng nâng cấp của chiếc laptop này cũng chỉ nằm ở SSD mà thôi, 1 khe M.2 NVMe duy nhất để người dùng nâng cấp tối đa 1TB, mà SSD trong máy đã là 1TB rồi nên coi như là không nâng cấp được nữa :D. RAM của máy sẽ có 2 tuỳ chọn 16GB và 32GB LPDDR5 nên anh em cân nhắc nhu cầu để lựa chọn phù hợp.
Pin & kết nối không dây
Yoga Slim 7i ProX sở hữu viên pin 70Wh và theo Lenovo thì chiếc laptop này có thể sử dụng được 11 tiếng khi xem video. Trong quá trình sử dụng của mình thì có thể dùng được khoảng 5 tiếng cho các công việc thường ngày của mình, bao gồm lướt web, nghe nhạc, gõ văn bản, edit hình ảnh bằng Lightroom, tất cả đều ở chế độ mặc định.
Về kết nối không dây, Yoga Slim 7i ProX sẽ có Wi-Fi 6E cũng như Bluetooth 5.1, một số anh em lo lắng về card Wi-Fi trên dòng máy này thì yên tâm là chiếc laptop phiên bản mình đang sử dụng (mã 14IAH7) sử dụng card của Intel, không phải MediaTek.
Trang bị nhiều phần mềm tiện ích
Riêng laptop Lenovo, mình thấy rằng hãng trang bị cho người dùng nhiều phần mềm tiện ích lắm, và mình cũng thấy rằng đa số những tính năng đó đều hữu ích. Đơn cử nhất trên bàn phím sẽ có một phím chức năng đặc biệt, gọi là Smart Key, nhấn vào đó máy sẽ cho phép anh em tuỳ chọn mở Lenovo Vantage hoặc Lenovo Smart Appearance, hoặc Lenovo Voice.
Cái Zero touch login với Zero touch lock nó hữu ích lắm nha anh em, mình chỉ cần đi ra khỏi vị trí sử dụng máy là nó tự khoá, nhiều trường hợp quên thì cái này rất tiện.
Với Lenovo Vantage thì đã quá quen thuộc với anh em sử dụng laptop Lenovo rồi, nó sẽ giúp anh em quản lý hiệu năng, camera, microphone, pin…như là một phần mềm quản lý tổng thể của chiếc laptop. Mà bản thân Lenovo Vantage trên Yoga Slim 7i ProX này nó cũng cực kì nhiều tính năng thông minh, ví dụ Zero Login (lại gần máy sẽ tự login bằng Windows Hello), Zero Lock (đi ra xa khỏi máy tự khoá màn hình) hay X Power (OC GPU để hoạt động tốt hơn với các phần mềm đồ hoạ). Air Gestures để thao tác tua hoặc play/pause khi xem video toàn màn hình, nhưng trải nghiệm của mình thì nó không tiện bằng việc thao tác trên bàn phím, trừ khi tay chúng ta quá dơ không thể chạm vào.
Lenovo Voice sẽ cho phép người dùng ra lệnh bằng giọng nói để máy thực hiện một số tác vụ như mở File Explorer, tăng/giảm âm lượng…khá hay ho để vọc vạch đó anh em.
Cuối cùng Lenovo Smart Appearance sẽ là phần mềm để điều chỉnh webcam với một số hiệu ứng như làm mờ phông nền, tracking gương mặt, thậm chí là edit lại khuôn mặt như camera selfie của smartphone cũng được luôn.
Dùng qua nhiều chiếc laptop Lenovo thì mình thấy rằng các phần mềm này và các tính năng này là một phần không thể thiếu, nó tạo ra sự đặc trưng cho laptop Lenovo nói chung. Bản thân các hãng bây giờ cũng rất chú trọng vào việc bổ sung các tính năng thông minh cho laptop, nó không chỉ giúp cho người dùng tiện lợi hơn trong quá trình sử dụng, mà còn tăng sức cạnh tranh với các thương hiệu khác.
Như đã nói, Lenovo Yoga Slim 7i ProX sẽ là chiếc laptop đa dụng, đa năng cho gần như là mọi nhu cầu, dù nó mang hình hài của một chiếc ultrabook, không hầm hố, không nặng nề, không LED RGB màu mè, nhưng cấu hình và thông số của màn hình có thể giúp anh em thoả mãn các tựa game Esports đến 3A ở mức cấu hình vừa phải.
Tham khảo: Tinhte.vn