Microsoft giải thích lý do Windows 11 yêu cầu PC cấu hình cao

bởi stevenlam

Microsoft mới đây đã chính thức đưa ra lời giải thích về những yêu cầu phần cứng khắt khe của Windows 11.

Hồi tuần trước, Microsoft đã tung ra phiên bản mới nhất của hệ điều hành Windows là Windows 11. Windows 11 mang đến một vài thay đổi về giao diện (Start Menu mới, cửa sổ bo góc…), kèm theo một vài tính năng như Snap layout, Microsoft Teams tích hợp sẵn, tăng cường trải nghiệm chơi game và đặc biệt là khả năng chạy ứng dụng Android.

Thế nhưng, để có được những tính năng này, Windows 11 cũng đòi hỏi phần cứng rất khắt khe. Bên cạnh những yêu cầu cơ bản như chip lõi kép 1Ghz 64-bit, RAM 4GB, ổ cứng 64GB… thì Windows 11 còn đòi hỏi chip bảo mật TPM 2.0. Đặc biệt hơn, theo công bố chính thức của Microsoft, chỉ những con chip Intel thế hệ thứ 8 trở lên, hoặc AMD Ryzen 2000 series trở lên, mới chính thức hỗ trợ Windows 11.

Yêu cầu phần cứng này của Windows 11 ngay lập tức đã nhận phải nhiều phản ứng từ người dùng. Bởi lẽ, với việc Windows 10 có thể chạy tốt ngay cả trên nhiều mẫu PC được ra mắt từ hơn 10 năm trước với những con chip “đời Tống” như Core 2 Duo, thì việc Windows 11 yêu cầu người dùng phải sở hữu một chiếc PC được sản xuất trong khoảng 2-3 năm trở lại đây hẳn là một điều rất khó hiểu.

Nhiều người dùng nhận được thông báo PC của họ không đủ điều kiện nâng cấp lên Windows 11 khi sử dụng phần mềm kiểm tra hệ thống của Microsoft

Chính vì vậy, mới đây Microsoft đã có lời lý giải chính thức về việc tại sao Windows 11 lại đòi hỏi yêu cầu phần cứng cao đến như vậy. Sau đây là toàn bộ bài đăng của Microsoft:

Windows 11 được thiết kế để đem đến cho người dùng một trải nghiệm hoàn chỉnh và mở khóa toàn bộ sức mạnh của PC, bao gồm các lĩnh vực như bảo mật, độ tin cậy, khả năng tương thích, hội họp, đa nhiệm, giải trí, sáng tạo, xây dựng, học tập và nhiều hơn nữa.

Một yêu cầu phần cứng tối thiểu cho phép chúng tôi điều chỉnh phần mềm và phần cứng để đạt được kỳ vọng, nhu cầu của mọi người và khai thác giá trị và sức mạnh của PC để mang lại trải nghiệm tốt nhất, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Để làm được điều đó, chúng tôi đã đặt ra những nguyên tắc sau:

Bảo mật. Windows 11 nâng cao tiêu chuẩn bảo mật bằng cách yêu cầu phần cứng hỗ trợ kích hoạt các tính năng như Windows Hello, Mã hóa thiết bị, bảo mật dựa trên công nghệ ảo hóa (VBS), bảo đảm tính toàn vẹn của mã (HVCI) và Khởi động an toàn (Secure Boot). Sự kết hợp của các tính năng này làm giảm phần mềm độc hại tới 60% trên các thiết bị được thử nghiệm. Vì vậy, tất cả các CPU được hỗ trợ Windows 11 đều phải tích hợp chip TPM, hỗ trợ khởi động an toàn và VBS.

Độ tin cậy. Các thiết bị được nâng cấp lên Windows 11 sẽ ở trạng thái đáng tin cậy. Bằng cách lựa chọn các CPU dựa trên nền tảng driver mới và được hỗ trợ bởi các đối tác phần cứng, tỷ lệ máy hoạt động ổn định và không bị crash là 99,8%.

Khả năng tương thích. Windows 11 được thiết kế để tương thích với các ứng dụng mà bạn sử dụng. Các yêu cầu cơ bản là CPU với 2 lõi và xung nhịp cao hơn 1GHz, RAM 4GB và SSD 64GB, đủ đáp ứng các yêu cầu hệ thống tối thiểu với một số ứng dụng như Office hay Microsoft Teams.

Với các nguyên tắc trên, những chiếc PC với CPU Intel thế hệ thứ 8, AMD Zen 2 cũng như Qualcomm 7 và 8 Series sẽ đáp ứng những yêu cầu của chúng tôi về bảo mật, độ tin cậy, cũng như các yêu cầu hệ thống tối thiểu cho Windows 11. Trong quá trình Windows 11 ở giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá những chiếc PC với CPU Intel thế hệ thứ 7 và AMD Zen 1 có thể đáp ứng các nguyên tắc này hay không.

Như vậy, có thể thấy rằng lý do quan trọng nhất mà Microsoft loại bỏ hàng loạt những con chip đời cũ khỏi danh sách hỗ trợ không phải là do hiệu năng, mà là do bảo mật. Với Windows 11, có vẻ như Microsoft đang rất muốn chú trọng tới tính ổn định và bảo mật, vì vậy tập đoàn công nghệ Mỹ đã buộc phải đưa ra một quyết định hết sức táo bạo mà sẽ khiến cho lượng lớn PC sẽ không thể nâng cấp lên hệ điều hành mới. Việc lựa chọn “chất” thay vì “lượng” rõ ràng là một hướng đi trái ngược hoàn toàn của Microsoft, khi chỉ vài năm trước, chính Microsoft từng tìm mọi cách để “ép” người dùng nâng cấp lên Windows 10.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x